Doanh nghiệp công nghệ số - Nguyên khí của nền kinh tế số Việt Nam
Trong thời đại CMCN 4.0 đã đang tạo ra những bước tiến quan trọng của nền kinh tế số, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh hoành hành thì vị thế của các doanh nghiệp công nghệ số đang ngày càng khẳng định là nguyên khí tạo động lực cho Việt Nam trong trạng thái bình thường mới.
Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020 với chủ đề “Doanh nghiệp công nghệ số - Động lực thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội.
Trong thư gửi chúc mừng Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận sự đóng góp của gần 60.000 doanh nghiệp công nghệ số, doanh thu ước tính khoảng 120 tỷ USD đã trở thành một động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển.
Trong xu thế hội nhập quốc tế, tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, bên cạnh nhiều cơ hội để phát triển, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong việc cạnh tranh, nghiên cứu phát triển sản phẩm, dịch vụ mới.
Chính phủ sẽ tích cực hoàn thiện thể chế, pháp luật và xây dựng, triển khai các chiến lược phù hợp, cơ chế, chính sách thông toáng, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp số.
Thư của Thủ tướng cũng đề cập đến việc cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số phải đi tiên phong trong nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi nền kinh tế số để thực hiện khát vọng vì một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng...
Đại biểu thăm các gian hàng triển lãm của doanh nghiệp công nghệ số tại Diễn đàn.
Tại Diễn đàn, chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề cập đến những vấn đề liên quan mật thiết đến công nghệ như tình hình dịch bệnh trên thế giới, nỗ lực cải thiện mức thu nhập bình quân của người Việt Nam, tăng trưởng GDP, đổi mới giáo dục, y tế… Từ đó, Phó Thủ tướng khẳng định tầm quan trọng của công nghệ thông tin, những đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Nhấn mạnh vai trò chuyển đổi số, sản phẩm công nghệ Make in Viet Nam trong phát triển đất nước, Phó Thủ tướng khơi gợi niềm tự hào, khát vọng thôi thúc cộng đồng doanh nghiệp số Việt Nam cần nỗ lực phấn đấu hơn nữa để từng bước làm chủ công nghệ, chủ động để có nhiều giải pháp, sản phẩm mới có hàm lượng trí tuệ Việt Nam, giải quyết bài toán của nước ta, từ đó vươn tầm ra thế giới.
Tin tưởng đội ngũ, cộng đồng doanh nghiệp số Việt Nam góp sức để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững hơn, Phó Thủ tướng kỳ vọng nước ta tiếp tục phát triển đột phá về kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số, thay đổi thứ bậc xếp hạng trên thế giới trong nhiều lĩnh vực. Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin cần tiên phong, giữ đội hình, nắm tay nhau bước thật đều, thật nhanh để đưa Việt Nam phát triển vượt bậc.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Sản phẩm công nghệ Make in Viet Nam là điều kiện tiên quyết để nước ta trở thành một nước phát triển tự cường, thịnh vượng, vươn ra thế giới.
Make in Viet Nam là một khẩu hiệu hành động, góp phần thúc giục tinh thần thiết kế, sáng tạo, làm ra sản phẩm tại Việt Nam; thay vì làm gia công, lắp ráp, hãy làm sản phẩm phần mềm, phần cứng, dịch vụ công nghệ thông tin.
Sau gần 1 năm thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 14/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về về "Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam" đã có trên 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời, tăng 28%.
Hiện Việt Nam có cộng đồng trên 58.000 doanh nghiệp và mục tiêu 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2030 có thể đạt được vào năm 2025. Đây là một con số kỷ lục.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá năm 2021 là một năm phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam với nhiều và rất nhiều sản phẩm Make in Viet Nam. Các sản phẩm, sáng tạo này đã góp phần giải quyết vấn đề trong nước, giúp Việt Nam phát triển, chinh phục thế giới, đóng góp cho sự phát triển của nhân loại. Từ đó, Việt Nam làm chủ công nghệ và trở nên hùng cường, thịnh vượng...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao giải Nhất Sản phẩm công nghệ Make in Vietnam - Hạng mục nền tảng số.
5 giải "Sản phẩm công nghệ Make in Vietnam" xuất sắc nhất Cũng tại Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, 14 sản phẩm nổi trội đã được trao Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2020, trong đó có 5 giải Nhất. Đây đều là những sản phẩm mang đến các giải pháp tiêu biểu, giúp ích cho cộng đồng, thể hiện chất xám và trình độ công nghệ của Việt Nam, có sức cạnh tranh với thế giới. Trong đó, giải Nhất hạng mục "Tiềm năng công nghệ số" được tao cho sản phẩm AI Smart Warning - nhận diện và đưa ra cảnh báo qua camera AI giám sát. Giải Nhất ở hạng mục giải thưởng "Thu hẹp khoảng cách số" là sản phẩm VNPT Edu - hệ sinh thái giáo dục thông minh. Sản phẩm OneATS - Giải pháp số của Công ty One ATS đoạt giải Nhất hạng mục "Giải pháp số xuất sắc". Akabot 2 - Giải pháp tự động hoá cho từng quy trình của doanh nghiệp là sản phẩm giành giải Nhất trong nhóm "Giải thưởng sản phẩm số xuất sắc". Giải Nhất hạng mục "Giải thưởng nền tảng số xuất sắc" thuộc về sản phẩm Base.vn - Nền tảng quản trị và điều hành doanh nghiệp số. Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" mang tầm quốc gia, lần đầu tiên được thực hiện tại Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Giải thưởng nhằm tôn vinh các sản phẩm công nghệ số do người Việt Nam thực hiện, phục vụ công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số quốc gia, thực hiện sứ mệnh đưa nền kinh tế nước ta bứt phá, phát triển nhanh, bền vững. |
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận