Chuyển đổi số tại Việt Nam - Thúc đẩy hệ sinh thái giáo dục số
Chương trình chuyển đổi số quốc gia mới được Thủ tướng phê duyệt cần tạo lập nền tảng giáo dục số quốc gia cho phép chia sẻ, khai thác để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái giáo dục số (EdTech).
- "Ngành ngân hàng sẽ có sứ mạng đi đầu về chuyển đổi số"
- Công nghệ giáo dục sẽ thay đổi thế nào trước ngưỡng cửa 2020 và CMCN 4.0
Quang cảnh hội thảo "Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo" sáng 9/12 tại Hà Nội. Ảnh: Thanh Hà
Đây là giải pháp cấp bách để có sự đột phá về công nghệ trong giáo dục, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.
Rất nhiều nội dung quan trọng được Bộ GD&ĐT, Bộ TT&TT và các tập đoàn công nghệ hàng đầu, các chuyên gia quốc tế tại Việt Nam tập trung thảo luận trong hội thảo "Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo" tổ chức tại Hà Nội ngày 9/12.
Trao quyền lựa chọn cho người học
Chia sẻ tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho rằng chuyển đổi số và thúc đẩy phát triển các nền tảng công nghệ số trong GD&ĐT cần hướng tới mục tiêu kép: chuyển đổi số trong GD&ĐT và phát triển hệ sinh thái EdTech Việt Nam. Đây chính là việc mà một số doanh nghiệp công nghệ Việt đã có những bước đi từ rất sớm để đón đầu xu thế chuyển đổi số của lĩnh vực rộng lớn này.
"Là một trong những đơn vị đi đầu về phát triển và triển khai các giải pháp, dịch vụ CNTT trong giáo dục, đến nay Hệ sinh thái giáo dục thông minh vnEdu4.0 do Tập đoàn VNPT phát triển đã bao gồm hơn 20 sản phẩm, dịch vụ bao phủ toàn bộ quy trình, nghiệp vụ của ngành giáo dục; cung cấp phần mềm, công cụ hiệu quả cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh. Hệ sinh thái vnEdu4.0 của VNPT đã triển khai được trên 63 tỉnh, thành phố với hơn 29.000 cơ sở giáo dục" - ông Phạm Đức Long, chủ tịch Tập đoàn VNPT, chia sẻ tại hội thảo.
Theo ông Long, dịch COVID-19 bùng phát đã trở thành thách thức, đồng thời là cơ hội cho việc triển khai các phương pháp học tập ứng dụng công nghệ số thay thế cho phương pháp giáo dục truyền thống, khi hàng chục triệu học sinh và giáo viên trong cả nước phải áp dụng giãn cách xã hội trong thời gian dài và phải học tập trực tuyến.
Vào thời điểm đó, với hệ thống VNPT E-learning sẵn có trong tay, VNPT đã quyết định tiên phong miễn phí cung cấp hệ thống này cho tất cả các trường học trên toàn quốc với hàng triệu bài giảng online được tạo ra.
"Giải pháp của VNPT đã mang lại cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa những công nghệ và phương pháp học tập hiệu quả, được tiếp cận những kho tàng tri thức mà với những phương pháp truyền thống khó tiếp cận được" - ông Long nhấn mạnh.
Xây dựng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, giáo dục là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên triển khai. Ngành giáo dục đã đặt mục tiêu cố gắng phấn đấu để Việt Nam sẽ trở thành một trong các quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong GD&ĐT.
Chia sẻ với Bộ trưởng Nhạ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng cam kết: "Những việc về công nghệ số, xây dựng các nền tảng cho ngành GD&ĐT, đề nghị bộ trưởng Bộ GD&ĐT giao cho Bộ TT&TT chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Việc 5 năm thì hãy giao cho chúng tôi 1 năm. Vì bây giờ việc khó đã dễ làm hơn do có nhiều giải pháp mới đột phá. Việc dễ lại khó làm vì làm theo cách cũ".
Theo ông Nguyễn Huy Dũng, Bộ GD&ĐT đã có cơ sở dữ liệu từ bộ đến các cơ sở giáo dục định danh 53.000 trường học với 1,4 triệu giáo viên, 23 triệu học sinh kèm theo các thông tin cơ bản. "Nếu chúng ta có một nền tảng giáo dục số quốc gia nhằm chia sẻ, khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu này thì chúng ta có thể phát triển hệ sinh thái EdTech tại Việt Nam. Bộ tạo một sân chơi mở, bình đẳng, kích thích sáng tạo, tương đương như app store về giáo dục. Doanh nghiệp EdTech tiếp cận ngay được thị trường 25 triệu người dùng, 53.000 tổ chức..." - ông Dũng phân tích.
Ông Phạm Đức Long nói thêm để chuyển đổi số thành công trong GD&ĐT, trước hết cần xây dựng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, chuyển đổi số môi trường dạy và học, xây dựng nền tảng học và thi trực tuyến, phát triển kỹ năng số cho học sinh, sinh viên, giáo viên và phát triển nhân lực chất lượng cao...
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Học tập, làm việc trong môi trường số Ngành GD&ĐT đã có nhiều chủ trương đổi mới nhưng thiếu một công cụ thực thi hiệu quả. Cuộc cách mạng số đã mang đến cho ngành một công cụ mang tính cách mạng, đó là các platform. Không chỉ thực thi hiệu quả, nó còn cho phép ngành có những cải cách triệt để hơn nữa. Muốn đào tạo nhân lực thời chuyển đổi số thì hãy cho họ sống, học tập và làm việc trong môi trường số. Đây cũng là cách đào tạo kỹ năng số tốt nhất. |
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận