12 dự án AI xuất sắc nhất tại Vietnam AI Grand Challenge
Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong thực tế tại Việt Nam, chuỗi Vietnam AI Grand Challenge cùng hơn 20 sự kiện, nổi bật là 3 chương trình Hackathon đã được tổ chức trong 4 tháng vừa qua.
Đội giành giải Nhất tại National Grand Finals nhận phần thưởng 10.000 USD.
Chuỗi chương trình đã tìm ra 12 dự án AI xuất sắc, hiện đang được hoàn thiện thông qua chương trình Kambria AI Incubation Program, và được trình diễn sản phẩm demo trong buổi thi Grand Finale, một hoạt động diễn ra trong khuôn khổ Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN 2019 vừa diễn ra tại Hà Nội.
Trong số 12 dự án tham dự Grand Finale, có 7 trong tổng số 12 đội thi cung cấp đa dạng các giải pháp công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực bán lẻ, đồng hành cùng đối tác Viet Thai International:
Tobtot - Chatbot gọi món tự động tại nhà hàng, khách sạn; DTU-CSE - Chatbot tư vấn sản phẩm cho khách hàng qua nhận diện gương mặt, lời nói và cảm xúc; FTech - Trợ lý tư vấn, chăm sóc khách hàng qua nhận diện giới tính và độ tuổi; Voicebot - Tổng đài ảo thông minh; Code for food - Trợ lý gọi món online và quản lý đơn hàng qua giọng nói; FamTech - Trợ lý mua hàng trực tuyến dựa trên nhu cầu và trải nghiệm khách hàng; Bookworm - Trợ lý kinh doanh trực tuyến, tìm kiếm, chào hàng và tiếp nhận đơn hàng tự động .
Có 5 đội còn lại hướng tới các giải pháp trong lĩnh vực giáo dục, y tế với sự đồng hành của 2 đối tác Topica và Ohmnilabs gồm: YoungGRD - Trợ lý ảo giúp người dùng học tiếng Anh từ tin tức hằng ngày; Hydra - Trợ lý hỗ trợ phụ huynh trong việc theo dõi và chăm sóc sức khỏe con cái; FatherLife - Trợ lý trò chuyện, hướng dẫn và theo dõi việc thực hiện các bài tập thể dục cho người cao tuổi; Hope - Trợ lý phát hiện việc té ngã ở người cao tuổi và cảnh báo cho người thân/bệnh viện gần nhất; Antimatlab - Thiết lập hệ thống cảnh báo, ngăn chặn các hành vi quấy rối và xâm hại tình dục tại nơi công cộng nhận được sự quan tâm chú ý của cộng đồng.
12 đội thi được cố vấn bởi các đối tác doanh nghiệp, cùng hơn 20 mentors là chuyên gia, CEO các doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu về AI quốc tế lớn nhằm củng cố chất lượng sản phẩm của các dự án made in Việt Nam kể trên.
Khoảnh khắc trao giải cho các đội giành chiến thắng.
Tại vòng Grand Finale, 12 đội trình bày về sản phẩm và BGK đánh giá các phần thi từ đó chọn ra 8 đội. BGK đánh giá tiêu chí dự án gồm 3 nhóm: Kinh doanh, Kỹ thuật, và Cộng đồng.
Trong đó, tiêu chí kinh doanh (chiếm 40%) bao gồm: Mức độ đội thi thấu hiểu khách hàng tiềm năng (15%); Khả năng dự án gọi được vốn từ các nhà đầu tư (15%); Tính thực tiễn của kế hoạch phát triển kinh doanh trong tương lai (10%).
Tiêu chí Kỹ thuật (45%) bao gồm: Tính độc quyền của công nghệ sử dụng (15%); Tiến bộ của sản phẩm trong/sau chương trình (15%); Định hướng kỹ thuật phù hợp nhu cầu kinh doanh (15%). Tiêu chí Cộng đồng (15%) được quy đổi từ lượt bình chọn của cộng đồng trên platform Kambria.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy (thứ hai hàng đầu từ trái sang) trao giải cho các đội.
Với chủ đề tập trung vào việc xây dựng trợ lý ảo hỗ trợ con người và doanh nghiệp trong các lĩnh vực, bao gồm Y tế, Giáo dục, Bán lẻ và Vấn đề xã hội liên quan tới phụ nữ và trẻ em, chương trình hứa hẹn khởi động phong trào AI tại Việt Nam thông qua những hợp tác giữa doanh nghiệp và cộng đồng nghiên cứu, lập trình công nghệ AI trong nước, 8 sản phẩm ứng dụng công nghệ AI đến từ các đội thi xuất sắc nhất trong 2 cuộc thi Vietnam AI Grand Challenge và Vietnam National AI Hackathon gồm các sản phẩm này được phân theo các chủ đề:
Chủ đề Bán lẻ - được bảo trợ và đầu tư bởi Viet Thai International – gồm: Voicebot - Tổng đài ảo thông minh; FTEAM - Giải pháp trợ lý thời trang ảo ứng dụng AI (Giải Nhất); FamTech - Trợ lý mua hàng trực tuyến dựa trên nhu cầu và trải nghiệm khách hàng; FTech - Trợ lý tư vấn, chăm sóc khách hàng qua nhận diện giới tính và độ tuổi.
Chủ đề Y tế - được bảo trợ và đầu tư bởi Ohmnilabs: FatherLife - Trợ lý trò chuyện, hướng dẫn và theo dõi việc thực hiện các bài tập thể dục cho người cao tuổi.
Chủ đề Giáo dục - được bảo trợ và đầu tư bởi Topica Edtech Group – gồm: MLAE - Sản phẩm IELTS Learning Assistant (Giải Ba); YoungGRD - Trợ lý ảo giúp người dùng học tiếng Anh từ tin tức hằng ngày.
Chủ đề Xã hội - được bảo trợ bởi Bộ Khoa học và Công nghệ: Antimatlab - Thiết lập hệ thống cảnh báo, ngăn chặn các hành vi quấy rối và xâm hại tình dục tại nơi công cộng nhận được sự quan tâm chú ý của cộng đồng.
Vietnam AI Grand Challenge là chuỗi chương trình hackathon về AI được tổ chức bởi Kambria, dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa Học và Công Nghệ, Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư. Chương trình khởi động với chuỗi hội thảo toàn quốc, tiếp nối bằng 3 chương trình hackathon 40 giờ tổ chức tại 3 thành phố: Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng trong tháng 7. Chuỗi chương trình đã thu hút sự tham gia của hơn 80 đội thi, giải quyết bài toán thực tế của các doanh nghiệp đồng hành như Ohmnilabs, Viet Thai International và Topica. |
Vietnam National AI Hackathon là chương trình AI Hackathon được tổ chức bởi Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công Nghệ, Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư trong khuôn khổ Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2019. Chương trình quy tụ 10 đội thi đến từ các trường đại học, tập đoàn công nghệ lớn trên cả nước. Các đội thi đã có 48 tiếng liên tục phát triển ý tưởng, xây dựng, lập trình giải pháp ứng dụng công nghệ AI để giải những bài toán khó trong nhiều lĩnh vực; được tư vấn, hỗ trợ phát triển từ chuyên gia và “bảo vệ” sản phẩm của mình trước sự phản biện và đánh giá của ban giám khảo cấp cao là các nhà sáng lập các công ty công nghệ, các chuyên gia hàng đầu về AI tại Việt Nam. |
Theo Tạp chí Điện tử
Bình luận