Phát triển thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2021

 2021-06-15 14:56:00
NIICS

Trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thương mại điện tử hiện đang nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia vì những đóng góp lớn cho tăng trưởng nền kinh tế. Tại Việt Nam, thương mại điện tử năm 2020 đạt 11,8 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng trên cả nước. Nhiều khả năng quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025

Phát triển “bùng nổ”

Theo báo cáo của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương: “Với tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 25%, thương mại điện tử ở Việt Nam được dự báo sẽ còn tăng trưởng vượt xa mốc 11,8 tỷ USD trong năm 2020. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng trong top 3 nước có tốc độ tăng trưởng bán lẻ lớn nhất trong khu vực chỉ sau Indonesia”.

Còn theo báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2021 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử giai đoạn 2016-2019 khoảng 30%. Quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng từ 4 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 11,5 tỷ USD năm 2019. Báo cáo dự đoán tốc độ tăng trưởng của năm 2020 tiếp tục duy trì ở mức trên 30% và đạt quy mô 15 tỷ USD.

Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2021 của VECOM cũng dẫn báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain&Company, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Trong đó lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%, gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%, tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%, riêng lĩnh vực du lịch trực tuyến giảm 28%. Báo cáo này cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử nước ta đặt 52 tỷ USD.

Theo nhận định của các chuyên gia, thương mại điện tử Việt Nam được dự báo sẽ còn tiếp tục phát triển nhanh do sự bùng phát của đại dịch đã tạo nên xu hướng tiêu dùng mới trong bộ phận người tiêu dùng trẻ.

Nielsen đã thống kê được rằng, từ khi đại dịch bùng phát năm 2020, nhu cầu mua sắm thông qua các sàn thương mại điện tử đã tăng mạnh. Tính tới nay, có hơn 70% dân số Việt Nam tiếp cận với mạng internet, trong đó 53% người dân sử dụng ví điện tử và thanh toán mua hàng qua mạng. Đặc biệt, 2 đô thị lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh chiếm tới 70% tổng lượng giao dịch trên các sàn thương mại điện tử.

Theo khảo sát của Sapo với 10.000 đơn vị bán hàng, có tới 30,6% đơn vị cho biết họ có những thay đổi tích cực khi áp dụng mô hình thương mại điện tử, giúp doanh thu tăng trưởng hơn so với các năm trước.


10  website về thương mại điện tử hàng đầu khu vực Đông Nam Á năm 2020. Ảnh: Internet

Nguyên nhân chính thúc đẩy quá trình bùng nổ thương mại điện tử Việt Nam thời gian gần đây lại chính là từ tác động của Covid-19. Những đợt giãn cách xã hội, cách ly xã hội… đã khiến các doanh nghiệp thay vì sử dụng phương thức kinh doanh truyền thống đã bắt đầu đẩy mạnh kinh doanh online.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam cũng đã dần quen hơn với việc sử dụng internet. Không chỉ dừng lại ở việc giải trí, ngày nay internet còn được sử dụng từ di chuyển, ăn uống cho tới kinh doanh, làm việc qua những ứng dụng rất dễ sử dụng, thuận lợi về cả không gian và thời gian.

Thực tế cũng đã chứng minh mô hình kinh doanh online mang lại nhiều ưu thế hơn trong mùa dịch. Có tới 24,1% các nhà bán lẻ đa kênh trên các sàn thương mại điện tử, Facebook, Instagram, website ghi nhận sự tăng trưởng trong và thậm chí là sau dịch bệnh.

Thách thức bủa vây

Thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 được dự báo phát triển mạnh mẽ là thế nhưng theo các chuyên gia, không thể phủ nhận vẫn còn không ít khó khăn và thách thức đang bủa vây nền thương mại điện tử đầy tiềm năng này.

Thứ nhất, là vấn đề niềm tin. Sau những bài học mua hàng online “dở khóc dở cười” khi khác hoàn toàn với ảnh trên mạnh, niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm mua bán trên sàn thương mại điện tử vẫn còn khá thấp. Theo báo cáo, tỷ lệ người lựa chọn thanh toán theo phương thức COD – thanh toán khi nhận hàng – còn rất cao, lên tới 88%. Bên cạnh đó, về vấn đề trải nghiệm mua hàng, chỉ có 48% đối tượng được khảo sát hài lòng với việc mua hàng trực tuyến. Con số này cho thấy các nhà phát triển sàn thương mại điện tử còn phải cố gắng hơn rất nhiều trong việc tối ưu trải nghiệm người dùng. Theo khảo sát, lý do khiến người tiêu dùng chưa tin tưởng mua hàng trên sàn thương mại điện tử là khó kiểm định chất lượng hàng hoá, chưa tin tưởng uy tín đơn vị bán hàng và không tin tưởng chất lượng thực sự so với quảng cáo.

Thứ hai, là sức cạnh tranh từ các sàn thương mại điện tử của Việt Nam và quốc tế. Top 10 các sàn thương mại điện tử có lưu lượng truy cập lớn nhất Việt Nam lại đến từ những ông lớn như Shopee, Lazada,…vốn là các doanh nghiệp có nguồn vốn lớn từ nước ngoài. Còn các sàn thương mại điện tử đến từ các doanh nghiệp trong nước như FPT, Tiki, thegioididong,…chỉ chiếm 1 phần rất nhỏ.

Thứ ba, là vấn đề bảo mật thông tin, an toàn cho doanh nghiệp và khách hàng. Công nghệ càng phát triển, vấn đề bảo mật thông tin cá nhân càng cần được chú trọng. Đây là vấn đề nan giải không chỉ các doanh nghiệp mà cả cơ quan nhà nước đang rất quan tâm.

Thứ tư, là vấn đề thanh toán. Hiện nay các ví điện tử, các cổng thanh toán được mở ra rất nhiều nhưng số người sử dụng chưa cao. Một phần người mua hàng lựa chọn hình thức mua hàng COD là bởi họ không có lựa chọn thanh toán trực tuyến nào phù hợp. Thêm nữa, hình thức thanh toán trực tuyến của các ngân hàng vẫn còn chậm, gây mất thời gian và khó khăn trong sử dụng. Đây cũng là lý do cản trở  việc thanh toán trực tuyến của khách hàng.

Thứ năm, là vấn đề cơ sở hạ tầng công nghệ và vận chuyển. Về công nghệ, các sàn thương mại vẫn chưa tối ưu được hệ thống máy chủ, điều này dẫn đến hiện tượng tắc nghẽn sàn thương mại điện tử trong những chương trình lớn. Về hệ thống giao thông chưa được phát triển dẫn tới thời gian giao hàng lâu cũng như chi phí giao hàng còn nhiều bất hợp lý.

Do đó, để phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam, các giải pháp được đưa ra gồm thiết lập môi trường pháp lý phục vụ phát triển thương mại điện tử; phát triển nguồn nhân lực về thương mại điện tử; đẩy mạnh áp dụng các hình thức, phương tiện thanh toán; phát triển lĩnh vực chuyển phát hàng hóa (logistics); nâng cao nhận thức về thương mại điện tử cho người dân.

Nguồn: Tổng hợp từ Internet

Hoàng Mai Anh

Trung tâm tư vấn TT&TT- Viện Chiến lược TT&TT

 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới cập nhật

Tin đọc nhiều

Đổi mới sáng tạo - Chìa khóa 'bứt phá' năng suất, chất lượng

Đổi mới sáng tạo - Chìa khóa 'bứt phá' năng suất, chất lượng

Một số giải pháp huy động vốn cho doanh nghiệp ICT trong bối cảnh hậu Covid-19

Một số giải pháp huy động vốn cho doanh nghiệp ICT trong bối cảnh hậu Covid-19

Kinh tế số và tiềm năng phát triển tại Việt Nam

Kinh tế số và tiềm năng phát triển tại Việt Nam

Video xem nhiều

Khởi động nền tảng SMEdx hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số

Khởi động nền tảng SMEdx hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số

IoT với các số ứng dụng và tiềm năng phát triển

IoT với các số ứng dụng và tiềm năng phát triển

Việt Nam thử nghiệm thành công cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị Make in Việt nam

Việt Nam thử nghiệm thành công cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị Make in Việt nam

Toàn cảnh Hội nghị Quốc gia lần thứ XXII về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ Thông tin REV-ECIT 2019

Toàn cảnh Hội nghị Quốc gia lần thứ XXII về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ Thông tin REV-ECIT 2019

5G - Mạng truyền tải di động tốc độ cao của tương lai

5G - Mạng truyền tải di động tốc độ cao của tương lai

Lào muốn học kinh nghiệm tổ chức của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số Việt Nam
 07-12-2019
Điểm mới trong các quy định của dịch vụ Gia công đã có hiệu lực kể từ ngày 5 tháng 5 năm 2019
 07-12-2019
Viện Chiến lược phải nâng tầm, “tổng chỉ huy” công tác chiến lược của Bộ TT&TT
 23-10-2024