Cán bộ đoàn viên công đoàn Viện Chiến lược TT&TT với Tháng hành động vì môi trường và Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021
Hưởng ứng các hoạt động Tháng hành động vì môi trường và Ngày Môi trường thế giới và ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021 của Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam, Công đoàn Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông xin được gửi đến các cán bộ đoàn viên công đoàn Viện thông điệp bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái năm 2021, đó là:“Không săn bắt, tiêu thụ động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; Không tham gia hoặc tiếp tay các hoạt động khai thác, đánh bắt, sử dụng cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên; Tham gia xây dựng nền kinh tế tuần hoàn chất thải, chống rác thải nhựa trên cạn và đại dương”.
Ngày Môi trường thế giới (05/6) do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động được Việt Nam hưởng ứng từ năm 1982 đến nay đã trở thành phong trào rộng khắp trên phạm vi cả nước góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Năm 2021, với chủ đề “Phục hồi Hệ sinh thái” (Ecosystem Restoration); đây là năm được Liên hợp quốc phát động cho một Thập kỷ phục hồi Hệ sinh thái nhằm ngăn chặn và đảo ngược sự suy thoái của các hệ sinh thái trên mọi lục địa và đại dương, giúp xóa đói giảm nghèo, chống biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự tuyệt chủng hàng loạt.
Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (22/5) được Liên hợp quốc lựa chọn và phát động trên phạm vi toàn cầu với mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về đa dạng sinh học. Chủ đề Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021 là “Chúng ta là một phần của giải pháp - Vì thiên nhiên” (We're part of the solution - For Nature). Thông điệp này tiếp tục chủ đề Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm 2020 nhằm kêu gọi con người sống hài hoà với thiên nhiên, áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên đối với các vấn đề toàn cầu về khí hậu, an ninh lương thực và nguồn nước, sinh kế bền vững cho người dân.
Hệ sinh thái đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của con người, cung cấp cho chúng ta những lợi ích vô giá như ổn định khí hậu, lọc không khí, cung cấp oxy, cung cấp nguồn nước, thức ăn, thuốc men,... Ngoài ra, các hệ sinh thái còn là nơi cư trú của các loài động vật hoang dã. Tuy nhiên, các hệ sinh thái hiện đang có tốc độ suy thoái nhanh nhất trong lịch sử loài người vì đang phải đối mặt với các mối đe dọa vô cùng to lớn như nạn chặt phá rừng; ô nhiễm nước hồ, sông suối; các vùng đất ngập nước trở nên khô hạn; vùng biển và ven biển bị suy giảm chất lượng và bị khai thác quá mức. Để ứng phó với thực trạng này, ngày 01/3/2021, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra tuyên bố giai đoạn 2021 - 2030 là “Thập kỷ về phục hồi Hệ sinh thái” nhằm nhân rộng trên quy mô lớn việc phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái và bị phá hủy để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, nguồn nước và đa dạng sinh học. Đây là thời điểm để mỗi quốc gia cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và trái đất của chúng ta.
Tại Việt Nam, Luật bảo vệ Môi trường năm 2020 số 72/2020/QH14 được Quốc hội ban hành ngày 17/11/2020. Theo đó, Luật bổ sung cộng đồng dân cư vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng nhằm khẳng định vị trí, vai trò của nhóm đối tượng quan trọng này trong công tác bảo vệ môi trường. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường bao gồm: Vận chuyển, chôn lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường…; Bên cạnh đó, thời hạn cấp giấy phép môi trường được tính từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ và được quy định như sau: Không quá 45 ngày đối với giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Không quá 30 ngày đối với giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện;…Ngoài ra, tiêu chí về môi trường để phân loại dự án đầu tư bao gồm: Quy mô, công suất, loại hình sản xuất; Diện tích sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển, quy mô khai thác tài nguyên thiên nhiên; Yếu tố nhạy cảm về môi trường gồm khu dân cư tập trung, nguồn nước được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt, khu bảo tồn thiên nhiên theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa thiên nhiên khác, đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên;…
Ngày môi trường thế giới đã làm cho các vấn đề môi trường trở nên nhân văn hơn. Đồng thời, trao quyền cho mọi người trở thành tác nhân tích cực của sự phát triển bền vững, bình đẳng. Ngoài ra còn nâng cao hiểu biết của mọi người, từ đó thay đổi hành vi của mình. Với tinh thần đó, công đoàn Viện Chiến lược khuyến khích các cán bộ đoàn viên công đoàn Viện cụ thể hóa bằng các hành động nhỏ nhưng vô cùng có ý nghĩa đối với môi trường như:
+ Tiết kiệm điện, sử dụng giấy in 2 mặt, giữ gìn vệ sinh, không hút thuốc lá tại nơi làm việc;
+ Tham gia trồng cây xanh, thu gom chất thải, bảo vệ nguồn nước;
+ Sử dụng năng lượng sạch từ những nguồn năng lượng có thể tái tạo;
+ Phân loại rác tại nguồn; sử dụng các vật liệu có từ thiên nhiên;
+ Ưu tiên sử dụng các sản phẩm tái chế;
+ Hạn chế, không sử dụng túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần; không lãng phí đồ ăn, thức uống;
+ Hạn chế việc việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và bỏ vỏ nơi quy định hoặc giao cho các công ty tái chế phế liệu;
+ Và các hành động bảo vệ môi trường khác.
Đồng thời cùng với gia đình, người thân và bạn bè chung tay tham gia các hoạt động phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học với khẩu hiệu “Cùng Hành động vì thiên nhiên – Trách nhiệm của mỗi chúng ta” và không quên Thông điệp 5K của Bộ Y tế “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế”.
Công đoàn Viện Chiến lược TT&TT