Tác động của đại dịch Covid-19 đến doanh nghiệp
Trong bối cảnh hoành hành của đại dịch Covid 19 đã diễn ra trong thời gian gia, đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của kinh tế xã hội toàn cầu, tác động đến cách chúng ta sống, chúng ta làm việc. Nhằm nhận diện tác động của đại dịch COVID-19 lên hoạt động sản xuất kinh doanh, tìm hiểu khả năng ứng phó của doanh nghiệp với đại dịch và đánh giá của các doanh nghiệp đối với một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã phối hợp triển khai đánh giá tác động của dịch COVID-19 đối với các doanh nghiệp Việt Nam thông qua “Báo cáo tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam”.
Trong bối cảnh hoành hành của đại dịch Covid 19 đã diễn ra trong thời gian gia, đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của kinh tế xã hội toàn cầu, tác động đến cách chúng ta sống, chúng ta làm việc. Nhằm nhận diện tác động của đại dịch COVID-19 lên hoạt động sản xuất kinh doanh, tìm hiểu khả năng ứng phó của doanh nghiệp với đại dịch và đánh giá của các doanh nghiệp đối với một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã phối hợp triển khai đánh giá tác động của dịch COVID-19 đối với các doanh nghiệp Việt Nam thông qua “Báo cáo tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam”. Một số phát hiện chính từ điều tra doanh nghiệp 2020”. Đây là một nghiên cứu được tiến hành theo hình thức khảo sát chọn mẫu, với phản hồi từ 10.197 doanh nghiệp trên toàn quốc, trong đó có 8.633 doanh nghiệp tư nhân và 1.564 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cuộc khảo sát được lồng ghép vào điều tra thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), một điều tra chọn mẫu thường niên có quy mô lớn nhất Việt Nam do VCCI triển khai với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ từ năm 2005 tới nay.
Nghiên cứu này được VCCI và WB thống nhất thực hiện nhằm: (1) Nhận diện tác động của dịch Covid-19 lên hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam; (2) Tìm hiểu khả năng ứng phó của các doanh nghiệp; (3) Đánh giá của doanh nghiệp về khả năng tiếp cận thông tin cũng như mức độ hữu ích của một số chính sách hỗ trợ mà Nhà nước đã ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Đây sẽ là những thông tin cần thiết để hỗ trợ quá trình hoạch định và thực thi chính sách của Nhà nước nhằm giảm bớt các tác động tiêu cực của dịch Covid-19 cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp hồi phục và ổn định hoạt động trong bối cảnh bình thường mới.
Đại dịch COVID-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay đã gây ra tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Cũng như các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch toàn cầu này. Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội qúy VI và năm 2020 của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 tăng 2,91%, là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2020. Năm 2020 có 101,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước. Trung bình mỗi tháng có 8,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Một số ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng, như: dịch vụ lưu trú, ăn uống, ước tính doanh thu đạt 510,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng mức và giảm 13% so với năm trước (năm 2019 tăng 9,8%); du lịch lữ hành, với doanh thu năm 2020 ước tính đạt 17,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng mức và giảm 59,5% so với năm trước; vận tải hành khách và vận tải hàng hóa lần lượt giảm giảm 29,6% và 5,2% so với năm 2019…
Đại dịch COVID-19 nhìn chung có tác động rất tiêu cực đến doanh nghiệp tại Việt Nam. 87,2% doanh nghiệp cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực.” Chỉ 11% doanh nghiệp cho biết “không bị ảnh hưởng gì” và gần 2% ghi nhận tác động “hoàn toàn tích cực” hoặc “phần lớn tích cực”. Cả khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (doanh nghiệp FDI) đều bị ảnh hưởng nặng nề. Trong số các nhóm doanh nghiệp, đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các doanh nghiệp mới hoạt động dưới 3 năm và các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ.
Tác động của dịch Covid-19 với doanh nghiệp ở một số ngành là đặc biệt lớn. Điều này xảy ra với doanh nghiệp tư nhân trong các ngành May mặc (97%), Thông tin truyền thông (96%), Sản xuất thiết bị điện (94%). Doanh nghiệp FDI trong một số ngành có tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực cao bao gồm Bất động sản (100%), Thông tin truyền thông (97%), Nông nghiệp/thuỷ sản (95%). Cần lưu Ý rằng mỗi ngành cấp 2 nêu trên có những phân ngành nhỏ hơn bên trong và do đó mức độ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến các phân ngành cụ thể sẽ có những khác biệt.
Nguồn: VCCI-WB
Về mặt địa lý, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngừng trệ, suy giảm nhiều hơn với doanh nghiệp tư nhân ở các khu vực Duyên hải miền Trung (91% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực) và các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại khu vực Tây Nguyên (94% doanh nghiệp). Những tỉnh, thành phố có tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân chịu ảnh hưởng tiêu cực cao nhất là Đà Nẵng (98%), Kon Tum và Khánh Hoà (95%).
COVID-19 tác động đến doanh nghiệp tại Việt Nam trên nhiều phương diện. Đa số doanh nghiệp cho biết dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, tiếp đến là bị ảnh hưởng về dòng tiền và ảnh hưởng tới vấn đề nhân công, người lao động của doanh nghiệp. Chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp đã bị gián đoạn. Một số doanh nghiệp cho biết còn bị ảnh hưởng tới các vấn đề khác, từ giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư thậm chí huỷ dự án đang hoặc sẽ thực hiện. Các doanh nghiệp cũng bị phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch Covid-19. Không ít doanh nghiệp gặp khó khăn do chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam làm việc. Một số đáng kể các doanh nghiệp cũng không thể ra nước ngoài tiến hành các hoạt động giao thương theo kế hoạch. Nhiều trường hợp cho biết bị gián đoạn, ngưng trệ hoạt động, thậm chí dừng hoạt động do tình hình dịch và đứng trước bờ vực phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột, dẫn tới giảm doanh thu cũng như vấp phải những rủi ro về thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán.
Các khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp tư nhân trong đại dịch COVID-19 xếp theo tỷ lệ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lần lượt là tiếp cận khách hàng (50%), dòng tiền (46%), lao động (38%), và chuỗi cung ứng (33%). Dịch bệnh đã gây nên những xáo trộn nhiều nhất đối với doanh nghiệp FDI là về tiếp cận khách hàng (63%), dòng tiền (42%), chuỗi cung ứng (41%) và lao động (34%).
Nghiên cứu cũng tìm hiểu sâu hơn về các tác động đến lực lượng lao động. Để cầm cự trước dịch bệnh, 35% doanh nghiệp tư nhân và 22% doanh nghiệp FDI đã phải cho người lao động nghỉ việc. Các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ, siêu nhỏ là nhóm có tỷ lệ phải thực hiện biện pháp này cao nhất, lần lượt ở mức 36% và 35%. Trong khu vực FDI, 26% doanh nghiệp quy mô vừa và 32% doanh nghiệp quy mô lớn phải cho một lượng lao động nhất định nghỉ việc. Tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân cắt giảm nhân sự cao nhất đối với các ngành thông tin truyền thông, sản xuất xe có động cơ và sản xuất chế biến đồ da. Đối với các doanh nghiệp FDI, đó là các lĩnh vực thông tin truyền thông, sản xuất chế biến đồ da và sản xuất, chế biến gỗ.
Duyên hải miền Trung là vùng có tỷ lệ doanh nghiệp FDI phải cho người lao động nghỉ việc cao nhất (28%). Đây cũng là vùng có tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân cho người lao động nghỉ việc cao thứ hai (37%), chỉ sau khu vực Miền núi phía Bắc (43%). Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có tỷ lệ doanh nghiệp phải cho người lao động nghỉ việc ít nhất, song cũng có tới 29% doanh nghiệp tư nhân và 14% doanh nghiệp FDI buộc phải thực hiện biện pháp này do tình hình kinh doanh suy giảm gây ra bởi dịch Covid-19.
Trên phạm vi toàn quốc, một doanh nghiệp tư nhân điển hình đã phải cho 3 người lao động nghỉ việc (giá trị trung vị). Một số doanh nghiệp tư nhân có số lao động bị nghỉ việc lớn nên con số lao động nghỉ việc trung bình của các doanh nghiệp tư nhân là 10 người. Với doanh nghiệp FDI, giá trị trung vị và trung bình lần lượt là 4 và 38 lao động. Với những doanh nghiệp có cung cấp thông tin về quy mô lao động và số lượng lao động đã phải cho nghỉ việc, ước tính chung cho thấy số lao động phải cho nghỉ việc chiếm khoảng 30% số lao động của một doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tư nhân trung bình phải cho nghỉ việc khoảng 32% lực lượng lao động, với các doanh nghiệp FDI, con số này là khoảng 17%. Các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ có tỷ lệ lao động phải cho nghỉ việc trong tổng số lao động cao nhất, cả ở doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI. Cụ thể, những doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ đã phải cho nghỉ việc khoảng 40% lực lượng lao động. Với doanh nghiệp FDI quy mô nhỏ, con số này là 22%.
Dịch bệnh Covid xảy ra đúng vào giữa thời Cách mạng công nghiệp 4.0, vì có thể ứng dụng những thành tựu công nghệ thông tin vào giải quyết công việc và phục vụ cuộc sống thay vì phải trực tiếp gặp mặt, như là làm việc trực tuyến, học hành và hội họp bằng hình thức online, kinh doanh qua mạng, sử dụng ví điện tử và thẻ tín dụng khi thay toán thay thế tiền mặt… Công nghệ lên ngôi trong bối cảnh giãn cách xã hội khiến hàng loạt hoạt động kinh tế-xã hội phải ngưng trệ. Dịch chuyển lên các nền tảng trực tuyến trở thành phương án giải quyết mọi vấn đề. Thay vì các cuộc họp tại văn phòng, hàng loạt công ty gặp gỡ, xử lý công việc online. Hay một chuyện “xưa nay hiếm” với một nền văn hóa Á Đông như Việt Nam là cầu an và công đức trực tuyến cũng được giải quyết qua nền tảng số.
Do vậy, bênh cạnh những khó khăn do covid 19 mạng lại, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI)… sẽ góp phần tạo ra sức bật cho các công ty, đặc biệt là các công ty công nghệ trong mùa dịch này và việc đầu tư cho công nghệ là chìa khóa cho sự tồn tại và phát triển trong và sau COVID-19.
Đặng Thị Hoa - Ban TH&HTQT - Viện Chiến lược TTTT
Tài liệu tham khảo: Báo cáo tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam: Một số phát hiện chính từ điều tra doanh nghiệp 2020: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB).
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận