Bàn về “người viết cũ” trong “thời đại mới”
Trong tác phẩm được dịch ra tiếng Việt với tựa đề: “Sống sao trong thời đại số?” (The New Digital Age – Tác giả: Eric Schmidt và Jared Cohen), Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2014, Lời tựa của Nhà xuất bản về nội dung cuốn sách có viết: … Khác với phần lớn nhân loại, hai tác giả Eric Smitdt và Jared Cohen dự báo những tác động vô cùng to lớn của hệ thống kết nối mạng điện tử lên mọi ngóc ngách và mọi lĩnh vực cuộc sống con người. Tuy nhiên, người nghèo sẽ là đối tượng chịu chi phối mạnh mẽ nhất khi vừa hưởng lợi đồng thời có thể là nạn nhân của những khiếm khuyết tệ hại nhất của thời đại kỹ thuật số mới! Quả thật, nhìn vào xuyên suốt lịch sử nhân loại, “người nghèo”, hay “người yếu thế” (người già, trẻ em…) thường chính là đối tượng dễ bị tổn thương nhất do những sự kiện và biến cố lịch sử!
Từ quan điểm trên, thử soi chiếu vào“đối tượng yếu thế” ở lĩnh vực báo chí – truyền thông. Họ - những người làm báo có tuổi đời không còn trẻ - đang “ở đâu” và tương lai sẽ “về đâu” trong xu thế tất yếu của thời đại số, khi mà báo chí – truyền thông Việt Nam đã và đang gấp rút xây dựng chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số để thực hiện sứ mạng thông tin, tuyên truyền mà Đảng và Nhà nước ta giao phó, đồng thời phải thực hiện nhiệm vụ kinh tế và hơn nữa, phải “tạo lập các giá trị mới”.
1. Chuyển đổi số - thách thức và cơ hội đối với lĩnh vực báo chí – truyền thông
Chuyển đổi số là gì?
Có nhiều định nghĩa khác nhau về khái niệm “chuyển đổi số”. Trong cuốn “Cẩm nang chuyển đổi số” năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: “Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của các cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số”.
Với "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", Việt Nam trở thành một trong các nước có những bước đi sớm và chiến lược, kế hoạch mang tầm quốc gia về chuyển đổi số.
Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới sớm có chiến lược và kế hoạch về chuyển đổi số. Ngày 3/6/2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt.
“Chuyển đổi số” có phải là “số hóa”?
Theo“Cẩm nang chuyển đổi số” của Bộ TTTT, trong hơn ba thập kỷ qua, nhân loại đã và đang trải qua 3 làn sóng công nghệ, chu kỳ mỗi làn sóng khoảng 15 năm.
Làn sóng công nghệ thứ nhất (1985 – 1999) được biết đến là “làn sóng số hóa thông tin”, sự phổ biến của máy tính đã giúp con người đã nhanh chóng “dọn” các văn phòng ngổn ngang giấy tờ nhờ chuyển sang các bản ghi điện tử. Tiếp theo, 15 năm đầu tiên của thiên niên kỷ mới (2000 – 2015) được gọi là “làn sóng số hóa, tin học hóa quy trình nghiệp vụ” nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả công việc cùng với sự phổ biến của mạng Internet, điện thoại di động và mạng viễn thông di động…
Đến khoảng năm 2015 và dự báo đến 2030, là thời kỳ của “chuyển đổi số”. Làn sóng chuyển đổi số với sự phát triển đột phá của công nghệ số đã, đang và sẽ “đưa toàn bộ các hoạt động từ xã hội thực lên không gian mạng, từ môi trường truyền thống lên môi trường số”. Trong đó, 04 công nghệ số tiêu biểu thúc đẩy chuyển đổi số được xác định là: AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (internet vạn vật), Big Data (dữ liệu lớn), Icloud (điện toán đám mây). Một công nghệ quan trọng nữa có thể kể đến đó là Blockchain (chuỗi khối).
Cần phân biệt “chuyển đổi số” và “số hóa”. Với các tổ chức, chuyển đổi số bắt đầu từ sự “chuyển đổi mạnh mẽ về tư duy” của người lãnh đạo, cùng với đó là cuộc cách mạng của từng cá nhân tồn tại trong tổ chức đó. Từ các nghiên cứu thực tế tham gia vào “sân chơi lớn” chuyển đổi số của hơn 10 công ty, hai tác giả Paul Leinwand và Mahadeva và Matt Mani khẳng định: Covid đã đẩy nhanh tốc độ của các sáng kiến kỹ thuật số, nhưng để tiến hành chuyển đổi số thành công, người lãnh đạo cần thực hiện ba hành động: 1) Hình dung lại vị trí của bạn trên thế giới, thay vì tập trung vào số hóa những gì bạn đã làm; 2) Tạo ra giá trị thông qua hệ sinh thái, thay vì cố gắng làm tất cả một mình; và 3) Hình dung lại tổ chức để kích hoạt một mô hình tạo giá trị mới, thay vì yêu cầu mọi người làm việc theo những cách mới trong giới hạn của mô hình tổ chức cũ (theo: https://hbr.org/2021/03/digitizing-isnt-the-same-as-digital-transformation).
Như thế, có thể khẳng định được, “chuyển đổi số” tác động toàn diện và mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội con người, không loại trừ một cá nhân hay tổ chức nào. Vấn đề là “tổ chức”, cá nhân đó đã chuẩn bị những hành trang gì để bước vào hành trình mới.
2. Vài nét về thực trạng cơ quan báo chí và lực lượng làm báo Việt Nam
Các nhà báo lão thành ôn lại kỷ niệm làm báo chiến khu
Báo cáo Tổng kết công tác năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021 Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cho biết: Tính đến ngày 31/12/2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí, trong đó: 142 Báo (Trung ương: 68, địa phương: 74), trong đó 112 Báo có hoạt động báo điện tử; 612 Tạp chí (Trung ương: 520, địa phương: 92), trong đó 98 Tạp chí có hoạt động tạp chí điện tử; 25 Cơ quan báo chí điện tử độc lập, bao gồm 09 Báo điện tử và 16 Tạp chí điện tử. Năm 2020, thực hiện Quy hoạch báo chí, cả nước đã giảm 71 cơ quan báo chí so với năm 2018 (năm 2019 là 850 cơ quan).
Về nguồn nhân lực (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình), Cục Báo chí cho biết cả nước hiện có 21.132 người đã được cấp thẻ nhà báo (tăng 725 thẻ nhà báo so với năm 2019 và có 20.407 người đã được cấp thẻ nhà báo). Số liệu thống kê cho thấy, số lao động báo chí từ năm 2016 đến 2019, tổng số lao động báo chí cụ thể là: 2016: 23.000 phóng viên (PV)/ biên tập viên (BTV) báo, tạp chí, 7000 PV/BTV biên chế/HĐLĐ dài hạn; 2017: 23.510 PV/BTV báo, tạp chí - 17.520 PV/BTV biên chế/HĐLĐ dài hạn; 2018: 23.950 PV/BTV báo, tạp chí - 17.860 PV/BTV biên chế/HĐLĐ dài hạn; 2019: 24.100 PV/BTV báo, tạp chí - 18220 PV/BTV biên chế/HĐLĐ dài hạn.
Đến nay, chưa có con số thống kê đầy đủ về cơ cấu độ tuổi lao động báo chí. Tuy nhiên, theo thông tin từ các Báo, Tạp chí trong Dự thảo Chiến lược, Kế hoạch chuyển đổi số trong báo chí từ các đơn vị trực thuộc Bộ TTTT, vấn đề lao động dôi dư sau khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đặc biệt là lực lượng làm báo nhiều tuổi vốn không có thế mạnh về ứng dụng công nghệ trong hoạt động nghề nghiệp, sẽ đối mặt với nguy cơ “bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chơi mới của thời đại số - khi mà để khẳng định vị trí, vai trò của mình trong lĩnh vực báo chí, các đơn vị và tổ chức ngành báo chí – truyền thông đã bắt đầu manh nha các ý tưởng như: xây dựng Toà soạn ảo trên môi trường mạng; chuyển từ báo chí thông tin thành báo chí kiến giải, báo chí kiến tạo; Xây dựng hệ thống quản lý, tương tác, liên kết độc giả với Toà soạn… Đặc biệt là sự tham gia làm nội dung của “nhà báo quần chúng” trong điều kiện công nghệ hiện nay, chỉ cần người dân có chiếc điện thoại thông minh trong tay, các cơ quan báo chí-truyền thông sẵn sàng trao cơ hội “làm báo” đến tất cả các bạn đọc, mọi người đều có thể trở thành “nhà báo” với các nội dung đa dạng phong phú trải rộng trên mọi lĩnh vực, đúng nghĩa “thời sự” với vô vàn thông tin “hot” trong nước và quốc tế…
3. Lối đi nào nào cho “người viết cũ” trong “thời đại mới”
Lĩnh vực báo chí – truyền thông được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta. Quan điểm cụ thể trong “Quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/04/2019 cho thấy sự quan tâm đến vấn đề nâng cao chất lượng nền báo chí cách mạng thông qua các giải pháp thiết thực. Trong đó, bên cạnh các nhóm giải pháp về pháp luật, cơ chế chính sách,… Đề án chú trọng giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm báo, tại Phần 6. Giải pháp thực hiện, ở giải pháp 6. Về nguồn nhân lực, bên cạnh việc “Đổi mới nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng báo chí”, Đề án đề xuất giải pháp: “c)Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin trong các cơ quan nhà nước; tổ chức bồi dưỡng về nghiệp vụ báo chí, nhất là kiến thức, kỹ năng xử lý thông tin và sự cố thông tin”. Cùng với đó, giải pháp 7. Về khoa học, công nghệ cũng nêu rõ chúng ta quyết tâm:“a) Đầu tư cho các cơ quan báo chí chủ lực gắn với yêu cầu hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ truyền thông tiên tiến và có cơ chế khuyến khích các cơ quan báo chí tiếp cận công nghệ truyền thông tiên tiến” và “b) Đầu tư nghiên cứu, phát triển các công cụ, giải pháp kỹ thuật để quản lý tốt báo chí điện tử, thông tin mạng…”
Tại “Báo cáo Tổng kết công tác năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ năm 2021”, Cục Báo chí xác định trong 08 nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, nhiệm vụ 4 có nội dung: “…Tổ chức khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, quản lý nhà nước về báo chí, kỹ năng làm báo hiện đại cho các nhà báo, phóng viên”.
Như thế, rõ ràng Đảng và Nhà nước ta dành sự quan tâm và tạo cơ hội để “người viết cũ”– cách chúng tôi tạm sử dụng để chỉ những người làm nội dung thiên về “thơ ca”, “văn vẻ” truyền thống … - để họ có cơ hội “bứt phá” và làm mới mình. Nói như Phó Tổng giám đốc nhân sự VNG, công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam được định giá trên 1 tỷ USD bởi World Startup Report và Google - Temasek Report, Phó Tổng Giám đốc nhân sự công ty – ông Abhishek Mathur: "Sự bùng nổ của công nghệ trong đời sống, công việc và học tập buộc con người phải có sự thích ứng linh hoạt, sẵn sàng hấp thụ những kĩ năng mới để không bị máy móc thay thế.”
Người làm báo cần có những kỹ năng gì? - Nguồn: Internet
Sự tham gia của công nghệ ngày càng sâu rộng trong lĩnh vực báo chí là vấn đề không cần phải bàn cãi. Theo đó, các yêu cầu về năng lực làm nội dung của người viết cũng có sự thay đổi. Chẳng hạn, nếu trước đây người làm báo“phải độc lập tác chiến” thì nay, với sự hỗ trợ về công nghệ, người viết có thể tham khảo nguồn dữ liệu dồi dào nhất là trên mạng Internet, đồng thời có thể học hỏi văn phong báo chí của đồng nghiệp mọi nơi trên thế giới; người viết báo có thể không cần “thành thạo” về văn phạm bởi đã có sự hỗ trợ của các phần mềm kiểm tra lỗi chính tả … Các tin bài đơn thuần báo cáo số liệu, cập nhật dữ liệu cho các bản tin ngắn đã có trí tuệ nhân tạo AI… Cùng với sự ra đời và bành trướng của mạng xã hội, lực lượng làm báo chuyên nghiệp rơi vào cuộc rượt đuổi cam go với đội ngũ “các nhà báo không chuyên” nhưng áp đảo về số lượng.
Về vấn đề này, trong một bài phỏng vấn trên báo Thế giới & Việt Nam, nhà báo Hoàng Nguyên Vũ - ngòi bút từng thành công về mảng ký sự nhân vật hậu chiến tranh và các tập sách cá nhân xuất bản trên thị trường – cho biết: “Thế hệ chúng tôi nhiều người bị bỏ lại trong sự phát triển của công nghệ”. Để trụ lại và phát triển nghề, hãy học truyền thông đi bởi: “Trường báo căn bản chỉ dạy bạn cách tác nghiệp và nắm rõ một số thể loại báo chí”, còn truyền thông thì: “dạy bạn làm ra thông tin đó cho đối tượng nào, xuất hiện trên các nền tảng phải ra sao, có những giai đoạn thông tin nào, cách quản trị nội dung ra sao cho hiệu quả”.
Theo đó, công nghệ đã mang đến những tiện ích vượt bậc cho người làm báo. Để sự phát triển của các làn sóng công nghệ cơ hội “đẩy thuyền” hay trở thành cơn bão“đắm thuyền”, quyền tự quyết – trước hết do bản thân cá nhân người làm báo.
Thực tế cho thấy dù cố gắng đến đâu, đằng sau trái ngọt của bất cứ sự cải tiến, cuộc cách mạng nào, chúng ta cũng sẽ phải “để lại” những gánh nặng vật chất và tinh thần do “sự đào thải” khắc nghiệt của thời đại. Có thể lấy ví dụ minh họa từ “di sản” từ những nỗ lực nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo của Bộ Giáo dục & Đào tạo trong những năm qua: Bên cạnh một bộ phận cán bộ giáo viên được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có không ít các nhà giáo phải rời bục giảng vì không đáp ứng được yêu cầu mới!
Điều đó có nghĩa là, rất có thể một bộ phận lao động ngành báo cao tuổi, hạn chế về công nghệ sẽ đối mặt trước nguy cơ bị bỏ lại phía sau nếu không bắt nhịp với thời đại số. Giải pháp nào dành cho “người viết cũ” là thách thức đối với chính người làm báo lớn tuổi và cũng là câu hỏi lớn dành cho các cấp quản lý báo chí-truyền thông nước ta hiện nay.
Đoàn Thị Trang – Ban Báo chí xuất bản – Viện TTTT
Tài liệu tham khảo
- Bộ TTTT. Cẩm nang chuyển đổi số.2020.
- Eric Schmidt – Jared Cohen. Sống sao trong thời đại số. NXB.Trẻ 2014
- https://hbr.org/2021/03/digitizing-isnt-the-same-as-digital-transformation
- Ngày 3/4/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Quyết định số 362/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025
- https://kenh14.vn/xu-huong-cong-viec-trong-tuong-lai-lam-moi-minh-hay-la-chet-20201104123639141.chn
- https://baoquocte.vn/nha-bao-thoi-cong-nghe-lam-on-hay-di-hoc-truyen-tho...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận