Chính phủ chỉ đạo các bộ, tỉnh tăng chi tiêu cho chuyển đổi số
Chính phủ vừa chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng Chương trình chuyển đổi số và ban hành trong năm 2020, đồng thời tăng chi tiêu cho chuyển đổi số để thu hút các doanh nghiệp tập trung đầu tư.
Các bộ, tỉnh ban hành chương trình chuyển đổi số trong năm 2020
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ mới đây đã yêu cầu Bộ TT&TT chỉ đạo thực hiện các biện pháp thúc đẩy hạ tầng, sản xuất thiết bị viễn thông, hướng tới mục tiêu mỗi người dân có một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình có một đường Internet cáp quang tốc độ cao.
Bộ TT&TT cũng được Chính phủ yêu cầu hỗ trợ việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ số trên khắp cả nước, hướng tới mục tiêu đưa CNTT vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đáng chú ý, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Xây dựng Chương trình chuyển đổi số và ban hành trong năm 2020, tăng chỉ tiêu cho chuyển đổi số để thu hút các doanh nghiệp tập trung đầu tư.
Theo hướng dẫn của Bộ TT&TT, Chương trình chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương cần phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đặc thù của mỗi bộ, ngành, địa phương (Ảnh minh họa).
“Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/6/2020, xác định rõ chuyển đổi số là quá trình tất yếu của Việt Nam để phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Chương trình chuyển đổi số quốc qua hướng tới mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Bộ TT&TT coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên triển khai của toàn ngành để đưa chuyển đổi số tới mọi ngóc ngách của đời sống xã hội với ưu tiên đầu tiên là các ngành giáo dục đào tạo, y tế… Một việc sẽ được Bộ TT&TT tập trung thực hiện thời gian tới là hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương ban hành chiến lược, chương trình chuyển đổi số tập trung vào việc thay đổi chính sách, mô hình quản trị, kinh doanh theo hướng chuyển đổi số không phải là chuyển đổi về công nghệ mà là việc ứng dụng công nghệ để đổi mới.
Sáu nguyên tắc để bộ, tỉnh xây dựng chương trình chuyển đổi số
Để việc triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia được đồng bộ, hiệu quả trên quy mô toàn quốc, Bộ TT&TT đã có hướng dẫn Khung chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cho các bộ, ngành, địa phương.
Đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai ngay các nhiệm vụ được giao tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT cũng hướng dẫn rõ, căn cứ Khung chương trình chuyển đổi số, các bộ, ngành, địa phương có thể xây dựng văn bản riêng về chuyển đổi số như chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số hoặc lồng ghép nội dung chuyển đổi số vào chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội của mình một cách phù hợp.
Theo Khung chương trình chuyển đổi số, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng nội dung của Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 dựa trên 6 nguyên tắc chung, bao gồm: Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số; Người dân là trung tâm của chuyển đổi số; Thế chế và công nghệ là động lực của chuyển đổi số; Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số;
Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là yếu tố then chốt để chuyển đổi số; Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố đảm bảo sự thành công của chuyển đổi số.
Trong đó, nhấn mạnh chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức, Bộ TT&TT chỉ rõ, một cơ quan, tổ chức có thể tiến hành chuyển đổi số ngay thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số.
Về nguyên tắc lấy người dân làm trung tâm của chuyển đổi số, Bộ TT&TT cho rằng, cần hình thành văn hóa số gắn với bảo vệ văn hóa, giá trị đạo đức căn bản của con người và chủ quyền số quốc gia. Chuyển đổi số là phương thức để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cần ưu tiên chuyển đổi số trước.
Bộ TT&TT cũng khẳng định, an toàn, an ninh mạng bảo đảm sự thành công và bền vững, đồng thời là thành phần xuyên suốt, không thể tách rời của các nội dung chuyển đổi số.
Bên cạnh việc đảm bảo các nguyên tắc chung kể trên, theo hướng dẫn của Bộ TT&TT, chương trình chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 còn cần phải phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đặc thù của mỗi bộ, ngành, địa phương.
Trong Khung chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của các bộ, ngành, địa phương, Bộ TT&TT cũng đề xuất với các bộ, ngành, địa phương những nội dung chính của chương trình như: Đánh giá hiện trạng; Tầm nhìn đến năm 2030; Mục tiêu; Nhiệm vụ, giải pháp; Kinh phí; Tổ chức thực hiện.
“Những nội dung này mang tính tham khảo, không bắt buộc, các cơ quan chủ động xây dựng nội dung phù hợp nhu cầu, điều kiện thực tế của mình”, Bộ TT&TT cho hay.
Được biết, đến nay đã có TP. HCM và Điện Biên ban hành chương trình, kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của địa phương mình.
Theo ICTNEWS
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận